Home Top Ad

Responsive Ads Here

Thái độ nào cho hôm nay?

Sáng thứ bảy, chợt thấy facebook của một người bạn sáng đèn, tôi nhảy vào nói như đùa, nhưng rất thật: “Thay mặt nhân dân cả nước tôi gửi cho anh một nghìn cái hôn thắm thiết”. Đó là một cảnh sát biển. Tàu của anh về bờ tiếp nhiên liệu, rồi anh sẽ lại đi ra nơi mà ai cũng biết đấy là nơi nào.

Bình thường tôi và anh không thân thiết, chỉ là bạn chung của một nhóm. Lần gần nhất chat, là để tôi hỏi rằng Cảnh sát biển Việt Nam bây giờ tên tiếng Anh chính thức cuối cùng là “Marine Police” hay “Coast Guard”, vì mỗi tàu thấy sơn một cái tên khác nhau. Một kiểu “soi” hơi khó chịu của báo chí. Nhưng bây giờ, tôi nói chuyện với anh bằng một thái độ khác. Tôi không cần thông tin, tôi không muốn phê bình. Tôi chỉ là một người dân đang ngóng ra biển khơi, thực lòng mong các anh chân cứng đá mềm. Marine Police hay Coast Guard, dù tên là gì tôi không quan tâm nữa, chỉ biết rằng các anh đang bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

Tôi chia sẻ rằng chắc các anh ngoài đấy phải chịu ức chế gấp trăm lần người ngồi trên bờ. Tôi hỏi cảm xúc anh thế nào. Anh bảo “bình thường”.

Hai chữ “bình thường” ấy, dùng để mô tả cảm xúc, mọi ngày tôi rất ghét. Tôi cho rằng nó vô cảm. Vợ tôi hay nói chữ ấy lúc khó chịu, tôi giận đùng đùng: việc gì cũng phải có thái độ cụ thể chứ, không quan tâm thì bảo là không quan tâm, khó chịu thì bảo là khó chịu, bình thường là cái gì?

Nhưng lần này, nghe hai chữ “bình thường” ấy, trong cuộc nói chuyện ngắn ngủi ấy, tôi cảm thấy xúc động.

Có thể các anh đã quen với công việc của mình rồi. Có thể những cuộc đụng độ không phải bây giờ mới diễn ra. Có thể anh thực sự bình thường, có thể rằng các anh đã được huấn luyện để giữ trạng thái tâm lý cân bằng tuyệt đối. Nhưng dù thế nào, đó cũng là thái độ đáng trọng.

Giờ là lúc mà chỉ một khoảnh khắc mất bình tĩnh, rồi chuyển thành một động tác “không bình thường”, ta tạo cớ cho đối phương thực hiện những điều mà ta không thể kiểm soát cho dù là trên biển, hay trên bờ.

Những gì đã diễn ra ở Bình Dương và Vũng Áng cho thấy rằng tâm lý “bình thường” bây giờ quan trọng đến mức nào.

Nhưng “bình thường” không có nghĩa là vô cảm. Hai chữ ấy, đặt trong văn cảnh của cuộc đối thoại với người cảnh sát biển, phải hiểu nghĩa của nó là: ta ý thức được nhiệm vụ của mình, ta biết được điều gì có lợi nhất, và ta thực hiện nó một cách nghiêm túc, không bị cảm xúc lấn át. Những người nơi tiền tuyến đã và sẽ “bình thường”. Và hậu phương bây giờ cần sự bình tĩnh ấy.

Thật ra chúng ta đã sống “không bình thường” từ lâu rồi. Thương nhân không bình thường, trí thức không bình thường, rất nhiều thứ không bình thường.

Ví dụ, hôm nay chúng ta kêu gọi bạn bè quốc tế đứng cạnh mình trong cuộc đấu tranh. Thế mọi ngày, chúng ta có đối xử với những người nước ngoài trên phố bình thường không. Hay là họ thỉnh thoảng lại phải ra công an trình báo cái này, lên báo than thở cái kia.

Ví dụ, hôm nay chúng ta đặt ra vấn đề “tự cường” khi Tổ quốc lâm nguy. Thế mọi ngày, chúng ta có phát triển đất nước với thái độ bình thường không, hay là phong cách làm ăn chộp giật manh mún vẫn đầy rẫy. Chữ “Made in Vietnam” nhiều tiềm năng là thế, nó có được phát triển bình thường như những chữ “Made in” khác không, hay bị đè nén bởi những cái sự bóc ngắn cắn dài?

Ví dụ, hôm nay chúng ta đối mặt với vấn đề trị an. Thế mọi ngày, ý thức giữ gìn trật tự chung của chúng ta có bình thường không. Ở đâu đó trên mạng, tôi đang thấy người ta kêu gọi tình yêu nước bằng những thứ nhỏ nhặt, như là dừng đèn đỏ. Đấy là một cử chỉ hết sức bình thường – đáng ra không cần kêu gọi.

Trên mạng, có rất nhiều bài viết phân tích về thái độ sống của những người dân các nước phát triển. Nhưng liệu người Nhật, người Hàn Quốc, người Anh, Mỹ có tự tôn vinh bản thân, nghĩ rằng mình đang làm việc gì vượt qua giới hạn của con người không? Hay là họ nghĩ rằng, mình đang làm những việc bình thường.

Sự bình thường rất quan trọng. Ngay cả sự sáng tạo và đột phá, cũng là điều sẽ hiển nhiên xuất hiện trong một xã hội tôn trọng tự do sáng tạo một cách… bình thường (điều ta chưa làm được).

Yêu nước là khi ta tôn trọng sự bình thường, là khi ta luôn giữ được trạng thái tâm lý cân bằng, dù là khi dừng đèn đỏ hay khi kinh doanh dự án trăm nghìn tỷ. Hãy nghĩ mà xem, khi nước nhà chưa có biến, đã có bao nhiêu người gây hại cho đất nước vì một thái độ “không bình thường” như lòng tham hay sự ích kỷ của họ?
Thái độ nào cho hôm nay? Thái độ nào cho hôm nay? Reviewed by nguyễn tri châu on 01:16 Rating: 5

Không có nhận xét nào