Home Top Ad

Responsive Ads Here

Không dám ăn cơm có thịt mà để dành cho mẹ và em

"Từ đầu bữa đến cuối, bé chỉ ăn một chút thức ăn, còn lại, nó để dành một góc cặp lồng. Bé bảo để dành mang về nhà cho mẹ, cho em".

Bạn Phạm Ánh Ngọc chia sẻ về chuyến đi từ thiện trao quà cho các bé vùng cao trong ngày mùa đông lạnh lẽo đầu năm 2014 khiến cô nhớ mãi.

Tôi đã xem và đọc nhiều về hoàn cảnh của những đứa trẻ vùng cao, nhưng cảm xúc và mường tượng của tôi vẫn còn mơ hồ bởi đó là cảm xúc và trải nghiệm của người khác.

Tôi chưa bao giờ được tận mắt trông thấy, hay tự mình cảm nhận cho đến một ngày, từ status của một người chị - một người bạn, kêu gọi tình nguyện viên trong chuyến đi trao quà Tết cho các bé tiểu học Pacheo. Tôi quyết định khoác ba lô lên và đi để trải nghiệm.

Pacheo là một xã nghèo thuộc huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Ngôi trường tiểu học với 7 phân hiệu tại mỗi thôn, tổng cộng có 420 học sinh được đỡ đầu bởi tổ chức Cơm Có Thịt. Không có nhiều thời gian, cả đoàn được chia nhỏ để đến được cả 7 phân hiệu trong vòng một buổi sáng. Tôi được phân công cùng phụ trách phân hiệu Tả Pacheo với hai bạn khác.


Trẻ em vùng cao trong bữa cơm trưa

Sáng đó, tôi háo hức lắm. Nghĩ đến khuôn mặt vui sướng của những đứa trẻ khi nhận được quà khiến tôi thấy ấm áp dù đó là một trong những ngày mùa đông giá rét.

Ấn tượng đầu tiên với tôi là con đường. Con đường từ trường chính đến phân hiệu nơi tôi phụ trách là con đường mòn nhỏ ôm men triền núi, có đoạn đi qua khu rừng trúc xanh rì, đẹp như trong phim cổ trang. Nhưng, với những con người hàng ngày phải đi lại trên con đường ấy, nhất là vào những ngày mưa, nó chẳng khác gì hung thần "sơn lộ".

Thầy giáo, người dẫn đường cho nhóm chúng tôi, còn rất trẻ. Khi thấy chúng tôi khen rừng đẹp, anh tâm sự: "Các chị đến đây lần đầu thấy đẹp, ở đây lâu như em, nhất là những ngày mưa nguy hiểm lắm, chẳng còn thơ mộng. Em chết hụt mấy lần ở đoạn này, cả người với xe lao xuống vực. Số chưa chết nên em chỉ bị xây xát, gãy chân gãy tay, khâu khâu, băng bó rồi lại khỏi”.

Thầy giáo trẻ còn kể nhiều câu chuyện "kỳ tích" khác. Vừa kể, anh vừa lắc đầu, bỏ lại sau lưng những đôi mắt tròn xoe vì ngạc nhiên và miệng há ra vì sốc. Thế mà, tôi nghe những anh chị ở các điểm trường khác nói: "Con đường này vẫn còn an toàn chán".

Điểm trường Tả Pacheo nằm trên lưng chừng núi. Trước cổng trường vẫn còn lầy lên những vũng bùn sình do mưa. Thấy chúng tôi, những đứa trẻ có vẻ e dè. Mặt mũi chúng lem luốc, nhỏ bé, quần áo, chân tay lấm lem, chúng đứng và chỉ biết nhìn.

Phòng học của lũ trẻ ở 2 dãy nhà cấp 4 đơn sơ với những ô cửa kính vỡ lởm chởm. Đến giờ ra chơi, trời bắt đầu mưa nặng hạt, kéo theo màn sương mù cứ ngày một dày thêm, gió thốc lạnh buốt giá. Sân trường lầy lội bùn đất, những cái hố ngập nước. Thế nhưng, ở góc khoảng sân, những đứa trẻ vẫn hồn nhiên đầu trần, chơi bi.


Hình ảnh lam lũ của những đứa bé vùng cao khiến tác giả chạnh lòng

Trong đám trẻ đang chơi có một bé chắc chỉ 2 tuổi trông rất tội. Mũi dãi lem nhem, trên người em không có gì khác ngoài độc một cái áo vàng đã ngả màu nhem nhuốc và không mặc quần. Tôi chợt thấy xót xa.

Em thấy tôi với hai thành viên khác trong đoàn đi đến nên sợ sệt, chạy đi bám chặt lấy anh. Chúng tôi mặc thêm cho em cái quần bông với hy vọng sẽ khiến em bớt lạnh. Nhìn lại tôi với mũ len, khăn len, giày và áo phao vẫn lạnh run khi mỗi cơn gió thổi qua, tôi nghĩ: "Làm thế nào những đưa trẻ này có thể chịu được nhỉ? Chúng có thấy rét hay không hay chúng đã quen với khí hậu khắc nghiệt ấy?".

Tôi đang chuẩn bị chia quà thành các phần, ánh mắt tôi chợt bị thu hút bởi một đám trẻ ngay khoảng sân trước thềm nhà. Hết đứa này đến đứa khác, chúng đang thi nhau lội bì bõm trong một cái hố nước mưa ngập đến gần đầu gối. Lấp ló trong đám trẻ ấy có cái dáng bé nhỏ hai tay kéo ống quần chưa qua được mắt cá chân, cứ thế thò cả chân lẫn quần vẫy vùng rất sung sướng.
Tôi kéo cô bạn cùng đoàn, hai đứa chạy ra hiên nhà hốt hoảng vì trời mưa lạnh, sao chúng lại bì bõm ngâm nước. Thấy hai đứa tôi ngạc nhiên, chúng vội rút chân lên, tản mát ra chỗ khác.

Khi cả nhóm tập hợp lũ trẻ vào lớp, tặng quà cũng chẳng có gì nhiều, chỉ là ít bánh kẹo Tết, khăn mặt, đôi dép tổ ong với cái quần, cái áo. Thấy những đôi mắt trong veo ánh lên niềm vui sướng, háo hức, mấy chị em tôi nhìn nhau thấy lòng ấm áp lạ.

Tranh thủ trước giờ cơm, trao quà cho từng bé xong, chúng tôi nhờ cô giáo dẫn đến thăm nhà hai bé có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, A Páo và một bé gái mà tôi bỗng dưng quên mất tên. Nhà cậu bé A Páo nghèo lắm, bố lại mới mất vì tai nạn, cô bé kia cũng vậy, nhưng mẹ mới mất.

Trời mưa phùn mỗi lúc một nặng hạt, sương mù mỗi lúc một dày khiến cho đoạn đường đất núi dốc ngược càng trơn trượt. Hai đứa bé đi thoăn thoắt khiến chúng tôi phải rảo bước rất nhanh mới theo kịp do không quen địa hình. Tôi chợt nghĩ, trơn thế này lát đi xuống có khi trượt chân ngồi phệt xuống làm một lèo như trượt cầu trượt là xuống đến chân núi.


Các em nhỏ vẫn vui vẻ chơi đùa dưới nước trong tiết trời giá lạnh.

Trèo leo một lúc đến nhà A Páo, trước cửa nhà lầy lên bùn đất quện với rơm rạ, khiến tôi hình dung ra cảnh cái chuồng heo nhà bà tôi ở quê ngày trước. Quả thật, ngay cạnh cửa ra vào là cái ổ rơm cho một con lợn mẹ rất to cùng với một chú lợn con.

Cô giáo vào trước nói chuyện với mẹ và mấy người nhà A Páo bằng tiếng địa phương là có cán bộ dưới xuôi lên thăm. Họ vui lắm, chạy ra đón chúng tôi. Trong nhà tối và không có nhiều vật dụng. Bước vào cửa là chiếc giường với đống chăn, trong cái thứ ánh sáng kiểu tranh tối tranh sáng khiến tôi giật mình tưởng có ai đó đang nằm. Bên cạnh đấy là bếp lửa, có mấy người nữa đang ngồi vây xung quanh một cái chảo nhỏ đầy nước đang sắp sôi. Tôi thấy mẹ Páo xé mấy gói mỳ tôm chuẩn bị thả vào, đó có lẽ là bữa trưa của gia đình.
Chúng tôi tạm biệt nhà A Páo và tiếp tục cuộc hành trình tới nhà cô bé kia ở trên cao hơn. Mưa mỗi lúc một to hơn. Tôi chỉ mong sao nhà cô bé ở ngay kia thôi, tôi sợ cái đường đất dốc ngược, trơn này lắm.

Lên đến nơi, đón chúng tôi là chị của cô bé tên là Tùng. Cô bé e dè mở cửa. Trong nhà có một người phụ nữ trẻ đang may vá. Họ không biết tiếng phổ thông. Cô giáo hỏi sao Tùng lại bỏ học. Con bé bảo, mẹ mới mất, nhà nghèo nên không đi học nữa vì sợ tốn kém. Còn người phụ nữ kia, hỏi ra mới biết là vợ mới của bố cô bé.

Cô giáo cũng bất ngờ, không thể thốt ra lời vì nghe tin mẹ cô bé ấy mất mới đây. Trên đường về, cô giáo kể, trình độ dân trí ở đây còn thấp lắm, có nhà vợ vừa mới mất hôm trước, đem chôn ngay ở giàn su su trước cửa, hôm sau đã cưới ngay vợ mới.

Chúng tôi về trường vừa đúng giờ cơm. Giờ cơm không ồn ào, chẳng náo nhiệt, nhưng có lẽ là lấy của tôi nhiều cảm xúc nhất. Thấy tiếng thông báo của thầy cô, các bé tự về đúng vị trí, để sẵn những phần cơm đã mang từ nhà ra trước mặt, háo hức chờ đến lượt nhận phần thức ăn.

Hầu hết các bé đựng cơm trong cặp lồng, một số bé có lẽ gia đình khó khăn hơn, không có cặp lồng nên đựng cơm trong túi nilon. Cái túi mỏng manh tôi nhìn qua thấy bên trong có mấy nắm cơm, hay nói chính xác là cơm đã khô vón thành từng cục ở đáy nồi.


Bên trong ngôi nhà của một em học sinh.

Mỗi bé được nhận 3 miếng thịt lợn kho trắng ệch với một bát canh. Cô giáo nói, thực đơn hàng ngày của các bé thay đổi luân phiên, hôm thịt lợn, tép, cá khô, còn canh có hôm canh rau, mỳ… Khi tất cả đã có phần đầy đủ, cả lớp đứng dậy hô to: "Chúng em mời cô ăn cơm, tớ mời các bạn ăn cơm". Thế là bữa ăn bắt đầu.

Bữa cơm đạm bạc nhưng trông chúng ăn thật ngon lành, mắt ánh lên niềm vui. Tôi nghĩ, sao không ngon được chứ, với những đứa trẻ hàng ngày phải chân đất lội bùn dắt theo cả em đi học, đối với chúng, bữa cơm đạm bạc cũng là cả niềm ao ước, là động lực khiến chúng háo hức mong chờ được đi học mỗi ngày.

Tôi bị ngạc nhiên bởi một cô bé lớp một. Bé nhỏ lắm, nhưng bát cơm trước mặt khiến chúng tôi giật mình. Tôi bảo cô giáo chỗ cơm này chắc em phải ăn được gần 2 bữa, liệu bé có ăn được hết không? Cô giáo cười bảo: "Có chứ, nó ăn được hết đấy".


Các em tại trường tiểu học Pà Chéo phần lớn đều đi chân đất và áo quần mỏng manh.

Cả đoàn nhìn nhau không nói được gì, lặng lẽ quan sát. Có một điều là không phải đứa trẻ nào cũng ăn hết phần thức ăn được phát. Từ đầu bữa đến cuối, nó ăn một chút thức ăn thôi, còn lại, nó để dành một góc cặp lồng.

Thấy chúng tôi có vẻ thắc mắc, cô giáo trầm ngâm nói, nó để dành mang về nhà ăn bữa tối. Ở đây có những nhà có khi hàng mấy tháng trời không có được ăn chút thịt nào. Từ ngày được ăn bữa cơm có thịt, học sinh đi học đầy đủ hẳn. Có những đứa thường xuyên như thế, ở lớp nó không ăn tý thức ăn nào, bảo để dành mang về nhà cho mẹ, cho em. Tôi thấy tim mình thắt lại, cổ họng ứ nghẹn, sống mũi cay cay, tôi chạy ào ra ngoài, lau vội giọt nước mà có lẽ là lẫn cả mưa.

Tôi chợt nghĩ, nếu mình thật giỏi, nếu mình có tiếng nói, biết đâu có thể khơi dậy được lòng trắc ẩn của thật nhiều người khác nữa. Tôi sẽ kêu gọi được thêm thật nhiều những tấm lòng chung tay góp sức, với mong muốn duy trì những bữa cơm có thịt như thế cho các em, ít thôi nhưng đều đặn, hay thêm những tấm áo, đôi dép, hoặc chiếc cặp lồng. Dù những gì tôi mang đến cho chúng có thể không còn mới nữa nhưng tôi cũng mang đến cho các em sự chia sẻ ấm áp từ cộng đồng mà các em xứng đáng được nhận.
Không dám ăn cơm có thịt mà để dành cho mẹ và em Không dám ăn cơm có thịt mà để dành cho mẹ và em Reviewed by nguyễn tri châu on 08:13 Rating: 5

Không có nhận xét nào