Home Top Ad

Responsive Ads Here

Sống

Mùa đông năm 2010, anh bắt đầu viết về cái chết, ấy là khi người bạn viết của anh tự tử.

Cô ấy, vào đêm Noel, khi mà hàng hàng người đổ xô ra đường, đến nhà thờ, hoặc xóm Đạo hay tràn ra các con đường trung tâm của Sài Gòn: Đồng Khởi, Lê Lợi… thì lại leo lên thành của một cây cầu nào đó và nhảy xuống. Anh nhận được tin đó vào buổi sáng, khi còn nằm trên giường, trong lòng của người tình.

“Dao mất rồi”.

Anh đã nghĩ đó là một trò đùa. Cô bạn ấy hay đùa ác vậy. Anh nhớ có một lần, cô ấy biến mất, tầm một tháng. Gia đình không biết cô ấy đi đâu, bạn bè cũng thế, điện thoại, yahoo, skype, facebook hoàn toàn trong trạng thái tê liệt. Rồi đột nhiên, cô ấy lại xuất hiện, giữa Sài Gòn, ngồi vắt chân ở quán cà phê lề đường Nguyễn Trung Trực, mắt tròn xoe cười. “Em đã đi đâu vậy?”, anh hỏi. “Đi tìm một nơi để chết”, cô ấy nháy mắt, dáng vẻ láu lỉnh tới mức bất cứ ai cũng sẽ nghĩ là cô ấy đùa, một kiểu đùa quái đản và kỳ quặc, kiểu như lời chào “vĩnh biệt” mà cô ấy hay để lại khi kết thúc một cuộc vui.

Anh nghĩ đến cái chết của Dao.

Cô ấy nằm sấp trên dòng nước đen kìn kịt, trôi lềnh bềnh. Những ngón tay, những ngón chân nhỏ nhỏ xanh mét, hằn rõ những đường gân. Và khi người ta vớt được xác cô ấy, cái gương mặt trẻ con kia đã bắt đầu có dấu hiệu trương lên, mái tóc bết nước bám sát vào da mặt, xám xoen xét. Buồn nôn. Cái ý nghĩ một người vào đêm hôm trước còn cùng anh say khướt nay đã thành một củ khoai trương phềnh trắng trắng khiến anh thấy buồn nôn. Anh không đi dự đám tang của Dao. Ít ra như vậy, anh có thể tự lừa phỉnh mình. Anh có một nỗi sợ hãi mơ hồ, anh sợ rằng vào một đêm nào đó, Dao sẽ xuất hiện, đứng dưới chân giường anh, vẻ mặt xám lạnh với đôi con ngươi mở to cười cợt và bảo: “Anh, Sài Gòn nhiều vết thương quá”.

Nhưng Dao chưa từng xuất hiện trong giấc mơ của anh. Chưa một lần. Và anh bắt đầu nghĩ về cái chết. Có rất nhiều những kiểu chết. Chết già, chết bệnh, chết tai nạn, chết vì chiến tranh, chết vì ẩu đả, chết vì được yêu, chết vì bị ghét, chết vì quyền lực, vì chính trị, chết vì lý do nhảm nhí (đại loại như là số tới đó hay "vì em là a,b,c.. của anh Lê Văn Luyện"), chết vì chịu không nổi áp lực. Anh nhớ, có một lần đã đọc được ở đâu đó, rằng đối với người Nhật, cái chết được xem như một nghệ thuật. Việc này có lẽ được bắt đầu từ thời Samurai, khi mà người ta coi tự sát là một hành động dũng cảm, nghi lễ seppuku là đỉnh cao của sự phi thường đối với một con người.

“Thật ra, tiếp tục sống mới là can đảm. Chết thì hết, còn biết quái gì nữa đâu”, Dao bảo khi anh lôi đề tài này ra để cả hai cùng thảo luận. Đó là vào một ngày giữa tháng bảy, ngoài trời mưa như trút nước, Dao mặc một chiếc áo hoa xanh, nằm lăn lê trên sàn gạch nhà anh, cằm đặt trên một cái gối, mắt đơ đơ găm vào quyển sách trước mặt, đôi con ngươi chạy như điện. Dao bảo cô thích cái sàn gạch nhà anh, những viên gạch cũ kỹ. Dao thích những thứ cũ kỹ. Lúc ấy, Dao chưa nói cái câu “Sài Gòn nhiều vết thương quá”, nhưng lẽ ra, anh phải nhận ra rằng, Dao thích lưu trữ kỷ niệm, đặc biệt là những cái buồn.

“Anh nghĩ ai mạnh mẽ hơn, đàn ông hay đàn bà?”, Dao hỏi. “Đàn bà”, anh trả lời: “Họ có thể chịu đựng được những việc mà hiếm có người đàn ông nào có thể chịu được”.

“Ừ, đàn ông yếu đuối hơn vì dù gì, đàn ông cũng sinh ra từ tử cung của đàn bà”, Dao nhếch nhếch mắt nhìn anh. Anh cười xòa. Nếu như những người bạn khác của anh nghe được những lời này, hẳn họ sẽ trợn tròn mắt.

Anh châm một điếu thuốc, đứng khoanh tay trông về phía tòa nhà Bitexco. Từ góc nhìn của anh, dãy đèn ở trên đỉnh của tòa nhà trông như một chiếc mặt nạ bạc của người ngoài hành tinh. Có một vẻ cứng ngắc, tẻ nhạt ngộ nghĩnh. Đôi khi anh nghĩ chiếc mặt nạ đó đang yên lặng quan sát anh, rồi trong một lúc anh không chú ý, khóe môi của nó sẽ hơi trễ xuống. Anh nhả ra một đụm khói nhạt, vòm khói thinh lặng bay lên, hòa nhập vào không trung. Bầu trời có màu xanh xám thẫm, trộn lẫn với thứ màu trắng nhờ nhờ nhạt nhạt của những đám mây lững thững thả mình. Anh nghĩ, có khi nào đụm khói của anh cũng biến thành một đám mây nhỏ. Trời không có trăng, hoặc là có nhưng anh nhìn mãi mà không thấy đâu cả, gió cứ thổi thốc thốc vào mặt. Nếu có Dao ở đây, hẳn tóc cô ấy đã rối thành nùi. Hôm nay là rằm tháng bảy, một ngày đẹp trời. Anh ngủ vật vờ từ buổi sáng, bởi vì hôm nay là một ngày nhạt nắng, và mùi thơm của hương nhang từ căn nhà kế bên rất thoải mái, ấy là sau khi được thông báo rằng cái cột điện trước nhà anh đang cháy phừng phừng vào lúc 4h30 sáng, và anh trong lúc mắt nhắm mắt mở chỉ nhớ được là phải gom hết mớ giấy tờ để chuẩn bị chạy ra khỏi nhà nếu chẳng may có việc gì. Kết quả là xe cứu hỏa tới, nhân viên điện lực tới, còn anh thì quay trở lại vờ vật ngủ.

Điều kỳ lạ nhất là anh đã nằm mơ. Anh mơ thấy người tình của mình, anh mơ thấy cẳng chân của người đó bước đến gần anh, cẳng chân gầy guộc, trăng trắng, mờ mờ dấu gân. Anh lờ nhờ thấy người đó ngồi xuống, anh lờ nhờ thấy phần gáy, nhỏ nhỏ và mềm mềm. Anh là một người thích nhìn gáy của người khác. Người tình của anh có một chiếc cổ dài và anh nhớ những lúc ngồi nhìn người ấy từ đằng sau. Đột nhiên, người tình quay lại nhìn anh và bảo “Anh, Sài Gòn nhiều vết thương quá”. Gương mặt Dao ghé sát vào anh cười. Nụ cười trơ trơ.

Anh tỉnh dậy, chợt nhớ ra hôm nay cũng là lễ Xá Tội Vong Nhân. Dao, có lẽ cũng là một vong nhân. Anh nhớ lần cuối cùng nghe Dao nói câu đó, ấy là khi cả hai đang đứng trên cầu Calmette, đường đêm vắng ngắt, ánh đèn vàng trải dài xuống gương mặt của Dao, hốt nhiên tạo thành một nét bi ai. Anh nhớ lúc đó mình đã cười: “Ở đâu mà chẳng có vết thương hả em?”. “Nếu em đi đến thật nhiều nơi, có phải vết thương sẽ chia nhỏ ra không?”, Dao không nhìn anh, cô vẫn nhìn đăm đăm xuống những lằn sơn trắng của đại lộ Đông Tây. Anh không trả lời, chỉ nắm tay Dao và bảo “Thôi, mình về đi em”. Còn Dao lại cười: “Dù vậy cũng chẳng mất đi được”.

Anh đã có cảm giác Dao sẽ nhảy xuống. Chẳng hiểu tại sao, chỉ là có cảm giác vậy.

Nếu bây giờ, cô bạn viết nhỏ của anh nói với anh rằng: “Anh, Sài Gòn nhiều vết thương quá”, anh sẽ trả lời “Ừ em, Sài Gòn nhiều vết thương quá”. Một tháng từ sau khi người tình ra đi, anh đột nhiên nhận thấy người mình hằn vô số vết cắt. Thỉnh thoảng, một mình, trong đêm, anh vẫn nhẩm đếm lại những vết cắt của mình. Chúng không hẳn toàn bộ đều bởi người tình, một phần là bởi người đầu tiên, chỉ là người tình đã tạo thêm một vài vết mới cũng như đã đè lên những vết cũ khiến chúng sâu hơn. Những vết cắt chằng chịt và nham nhở.

Đôi khi, chúng rất ngoan, cứ như là đã liền sẹo và anh chẳng cảm thấy gì, anh nhìn chúng như nhìn đám mây, như nhìn cây, như nhìn người lạ. Anh nghĩ mình đã ổn. Chính vào những lúc anh cho rằng mình bình yên, chúng lại trỗi dậy, gây nhức nhối, chúng cào khắp ruột. Anh run rẩy, anh run rẩy. Anh leo lên nóc nhà và nhìn trăng, anh để mảnh trăng rơi chênh chếch trên người mình.

“Cả miệng ta trăng là trăng

Cả lòng ta vô số gái hồng nhan

Ta nhả ra đây một nàng…”

Anh nghĩ mình say, tất cả mọi thứ đều như mọc lên theo một phương xiên. Nghiêng nghiêng. Nỗi đau dường như cũng trượt dài. Đột nhiên, anh lại nghĩ, đêm đó, có lẽ Dao cũng run rẩy thế này. Có lẽ Dao đã không phải muốn nhảy xuống. Cô nhỏ ấy có lẽ chỉ là muốn tìm đến một nơi thoáng, một nơi mà cô không còn phải đối mặt với loài người.

Nhưng, Sài Gòn bé quá. Sài Gòn nhiều vết thương quá.

“Anh, không có chỗ cho em”.

Dao đã nhắn tin ấy cho anh vào cái đêm Noel mà cô chết. Đêm đó, điện thoại anh để chế độ rung. Đêm đó, anh ở bên người tình. Đêm đó, anh nằm trong vòng tay người tình. Anh cất giữ những dòng tin nhắn của cô vào nơi sâu nhất của tâm hồn mình.

Và, anh tiếp tục sống. Đó là điều cuối cùng mà anh có thể làm cho Dao lúc này.

Sống, để Dao có thể tiếp tục sống.

“Anh biết cái chết nào đáng sợ nhất không?”.

“…”.

“Đó là chết ngay khi còn đang sống ấy. Bất lực, vô dụng, vô hình, mất niềm tin, mất hy vọng. Đó đó, đáng sợ lắm".

“…”.

“Anh, em muốn sống”.
Sống Sống Reviewed by nguyễn tri châu on 08:28 Rating: 5

Không có nhận xét nào